Có những người sống trong phúc mà cứ coi là họa, tìm mọi cách tránh xa. Có những người sống trong họa lại cứ vội lầm tưởng là phúc, để rồi đánh mất mình.
Trong suy nghĩ của nhiều người, “có phúc” đồng nghĩa với việc ăn sung mặc sướng, phú quý giàu sang, hạnh phúc êm ấm. Cũng vì lẽ đó, ngày càng nhiều người sẵn sàng đánh đổi cả đời để lấy vinh hoa phú quý. Thế nhưng, có những điều tưởng chừng là “phúc”, nhưng cuối cùng lại trở thành “họa”.
Bề ngoài, những điều này vẫn đem lại sự vui sướng, hạnh phúc nhất thời nhưng đằng sau phồn hoa ngắn ngủi sẽ là đau khổ và trắc trở dài lâu. Đặc biệt là với 3 kiểu “có phúc” tai hại sau đây, cần tránh xa cả đời nếu không muốn hủy hoại cả giá trị tinh thần lẫn vật chất trong tay.
1. Không làm mà lại có ăn
Trong “Liễu Phàm tứ huấn” có một câu nói, đó là “Bách kim tài phú tất thị bách kim nhân vật, thiên kim tài phú tất định thị thiên kim nhân vật” .
Nghĩa là: Người có gia sản tiền trăm thì ắt là người được định sẵn có tiền trăm, người có gia sản nghìn vàng thì ắt là người đã được định sẵn có nghìn vàng.
Người xưa để lại câu này muốn nói cho chúng ta biết rằng, một người có phúc phần nhường nào thì ắt sẽ được hưởng nhường ấy. Tất cả đều có sự đánh đổi ngang bằng được định sẵn từ trước, chứ không phải muốn hưởng bao nhiêu thì hưởng.
Mà thuận theo câu nói “Khổ trước sướng sau”, con người phải có làm mới có ăn, đó đã là đạo lý hiển nhiên trên đời. Người nào rơi vào cảnh “không làm mà hưởng” chính là đi ngược lại với tự nhiên. Có thể nói rằng, họ đang tiêu hao trước phần phúc báo về sau của mình. Đến một ngày vận khí hao mòn không còn lại gì, tai họa ắt sẽ ập đến.
Bên cạnh đó, người có thói quen “hưởng sẵn” sẽ tự ru ngủ năng lực và tính tự giác của bản thân trong sự an nhàn giả tạo. Khi mọi người xung quanh dốc sức chuẩn bị, anh chỉ lo hưởng thụ vui chơi, thì đương nhiên, khi tất cả đã lấy đà đầy đủ và bắt đầu tăng tốc về đích, anh sẽ bị bỏ lại phía sau mãi mãi.
Cho nên cổ nhân mới nói: “Con cháu nếu giỏi giang thì chẳng cần tiền tài từ bố mẹ để lại, người hiền mà giữ tiền dễ tổn hại ý chí; còn nếu con cháu không ai giỏi giang thì tiền tài để lại từ bố mẹ càng thêm vô dụng, người dốt mà có tiền, ắt thành thảm họa.”
Cổ nhân dạy rằng, ở đời có 3 điều tưởng chừng là PHÚC nhưng thực chất lại là HỌA, chỉ có kẻ ngu muội mới lao đầu vào – Ảnh 1.
Người nào rơi vào cảnh “không làm mà hưởng” chính là đi ngược lại với tự nhiên. Có thể nói rằng, họ đang tiêu hao trước phần phúc báo về sau của mình. Đến một ngày vận khí hao mòn không còn lại gì, tai họa ắt sẽ ập đến.
2. Hữu danh nhưng vô thực
Khổng Tử từng nói: “Nếu đức hạnh không xứng đáng với vị trí, sẽ thành tai ương. Nếu đức hạnh mỏng mà được tôn lên cao, trí tuệ nhỏ mà góp kế hoạch lớn, sức mạnh nhỏ nhưng gánh trách nhiệm nặng nề thì hiếm có thể thành công.”
Hữu danh vô thực chỉ làm cản bước tiến của chúng ta trên đường đời. Chúng chỉ là cái vỏ rỗng nhưng lại khiến ta nhầm tưởng rằng mình đang sở hữu đủ đầy. Chẳng hạn như, anh thích “ăn trên ngồi chốc”, vẽ mây vẽ gió ở tầm cỡ sếp, nhưng năng lực chuyên môn lại không vượt trội, cũng chẳng có tinh thần dốc sức cầu tiến nữa. Như vậy, một thời gian sau, kết quả duy nhất chờ đợi anh chính là sự đào thải tàn nhẫn của cuộc chơi cạnh tranh khốc liệt.
Nói cách khác, cũng giống như một chiếc bàn có thể chịu tải trọng được 10 phần sức nặng, nhưng nay chúng ta đặt lên nó tới 20 hay 50 phần sức nặng, thì hỏi chiếc bàn sao có thể chịu nổi đây? Gánh một sức nặng quá sức mình như vậy, nó sẽ lung lay, nó sẽ biến dạng, đây chính là dấu hiệu báo trước của việc sụp đổ.
Do đó, “mác ngoài” dù hào hoa to đẹp đến mấy cũng chưa chắc đã là phúc. Vị trí cao tương xứng với trách nhiệm cao, bạn hãy chủ động tránh xa khi bản thân mình chưa thực sự đạt được tầm cỡ ấy.
Cổ nhân dạy rằng, ở đời có 3 điều tưởng chừng là PHÚC nhưng thực chất lại là HỌA, chỉ có kẻ ngu muội mới lao đầu vào – Ảnh 2.
Hữu danh vô thực chỉ làm cản bước tiến của chúng ta trên đường đời. Chúng chỉ là cái vỏ rỗng nhưng lại khiến ta nhầm tưởng rằng mình đang sở hữu đủ đầy. Ảnh minh họa.
3. Hưởng thụ những thứ không thuộc về mình
Có câu chuyện xưa kể rằng: Một ngày nọ, chú cáo đói bụng bỗng nhìn thấy cây nho sai trĩu, chín mềm trong vườn của bác nông dân. Nó tìm mãi mà không thấy lối vào, nhưng lại tình cờ phát hiện một lỗ nhỏ trên hàng rào. Tuy nhiên, cái lỗ quá nhỏ nên nó không chui vừa.
Con cáo nghĩ ra một cách. Nó nhịn đói liền 2 ngày để gầy tọp đi, sau đó như ý nguyện mà chui được vào vườn. Quá sung sướng vì những trái nho thơm chín căng mọng trước mặt, nó ăn thỏa thích đến chùm này tới chùm khác.
Nhưng no nê đủ rồi, nó mới phát hiện ra rằng cái bụng của mình to lên rất nhiều, không còn vừa với lỗ nhỏ trong hàng rào nữa. Mà nếu chạy đi bằng cửa trước, chắc chắn sẽ bị chủ vườn và đàn chó săn tóm được. Thế là, con cáo lại phải nhịn ăn suốt 6 ngày liên tiếp.
Quả nhiên sau 6 ngày ấy, con cáo lại gầy đi và có thể chui ra được khỏi hàng rào. Nó trở về điểm xuất phát ban đầu với một cái bụng rỗng, đói meo, chẳng thay đổi được gì.
Câu chuyện này khiến chúng ta nhận ra rằng, cuộc sống luôn có được và có mất, có những thứ không thuộc về mình thì cưỡng ép nhường nào cũng vô dụng. Người biết đủ, hiểu thấu lẽ được mất, sống thuận theo tự nhiên sẽ sống được vui vẻ, hạnh phúc nhất. Ngược lại, người nào tham lam hưởng thụ những điều không thuộc về mình thì cũng chỉ rơi vào kết cục “Của thiên trả địa” mà thôi.
Nỗ lực theo đuổi cuộc sống sung túc, giàu sang không sai, nhưng không vì thế mà tận dụng các thủ đoạn xấu xa, trái với lương tâm và luật lệ, cũng đừng lợi dụng lối tắt hiểm nguy trên các con đường dẫn đến thành công. Phải biết rằng, những thời gian và nỗ lực bạn đầu tư đều chuyển hóa thành những giá trị quan trọng, là bậc thang vững chắc nhất để bạn leo lên những đỉnh cao. Đó là hành trình mà bạn cần tự đi trên chính con đường của bản thân, tránh xa những điều không thuộc về mình.
Kỳ thực, “Mệnh lí hữu thời chung tu hữu, mệnh lí vô thời mạc cưỡng cầu”.
Ở đời, thứ thuộc về bạn thì cuối cùng sẽ là của bạn, thứ không phải của bạn thì dù cố tranh giành cũng sẽ tự tránh xa. Hãy học cách bình thản với đời, thuận theo tự nhiên chính là một loại phúc. Cưỡng cầu quá nhiều lại thành họa.
Nguồn Trí thức trẻ – Jenny N